Nói và nghe
149
Nói và nghe: Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu (Kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ)
* Yêu cầu
- Giới thiệu được vấn đề nghiên cứu, lí do chọn vấn đề.
- Trình bày khái quát những kết quả nghiên cứu chính.
- Sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để nội dung trình bày được rõ ràng và hấp dẫn.
Gợi ý
1. Chuẩn bị nói
Mục đích của việc trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu là “tô đậm” những thông tin chính trong báo cáo nghiên cứu, thu thập thông tin phản hồi từ người nghe. Để thực hiện được mục đích này, ngoài việc chuẩn bị về nội dung (như hướng dẫn trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập một, tr. 119), người nói cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng các hình thức, phương tiện trình bày sao cho hiệu quả, phù hợp. Có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
- Tìm hiểu về người nghe và bối cảnh giao tiếp: Báo cáo kết quả nghiên cứu có thể được trình bày trong một hội thảo dành cho đối tượng học sinh, một diễn đàn chuyên môn, hoặc một buổi thuyết trình về một dự án,… Người nghe báo cáo có thể là học sinh, là nhà tài trợ hoặc một hội đồng chuyên môn. Trước khi trình bày báo cáo, cần tự đặt câu hỏi: Người nghe đã biết những thông tin gì, đang quan tâm tới điều gì, từ đó lựa chọn nội dung và hình thức trình bày phù hợp.
- Xác định mục đích giao tiếp: Việc trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu có thể hướng tới nhiều mục đích: chia sẻ một ý tưởng sáng tạo, thu hút và kêu gọi tham gia một dự án mới, thông báo về những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện một đề tài nghiên cứu. Tùy từng mục đích giao tiếp cụ thể mà người nói lựa chọn và sử dụng các chiến lược giao tiếp khác nhau.
- Xác định những nội dung chính cần trình bày: Đề tài nghiên cứu của bạn là gì? Tại sao bạn chọn vấn đề đó? Những kết luận chính của bạn là gì? Đâu là vấn đề mới mẻ mà bạn đã phát hiện ra trong quá trình nghiên cứu? Hãy tập trung vào những nội dung thực sự mới mẻ, gây hứng thú với người nghe.
- Xác định các hình thức, phương tiện trình bày phù hợp: Để gia tăng sức hấp dẫn và thuyết phục của bài trình bày, ngoài việc sử dụng phương tiện ngôn ngữ, bạn có thể sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như ngôn ngữ cơ thể, các hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, đồ họa, bảng biểu,… Việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ cần đảm bảo một số nguyên tắc sau:
+ Tối giản: Cần tập trung vào một vài phương tiện chính để làm nổi bật những thông tin quan trọng nhất trong bài trình bày, đồng thời khai thác một cách tối đa giá trị biểu đạt của những phương tiện này. Cần hạn chế tối đa các hình ảnh, kí hiệu chỉ mang tính hình thức, không thực sự cung cấp thông tin.
+ Trực quan hóa: Cần xác định những thông tin trừu tượng, phức tạp, khiến người nghe khó có thể lĩnh hội chỉ bằng phương tiện ngôn ngữ, từ đó lựa chọn các hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu,… góp phần cụ thể hóa thông tin, phù hợp với nhận thức của người nghe.
+ Ấn tượng: Các phương tiện phi ngôn ngữ cần tác động mạnh đến giác quan, cảm xúc và thu hút sự chú ý của người nghe. Màu sắc nổi bật, các hình ảnh mới mẻ, ngôn ngữ có thể sống động, sự thay đổi ngữ điệu,… là những yếu tố có thể tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn cho bài trình bày.
2. Thực hành nói
Bài thuyết trình báo cáo kết quả nghiên cứu thường có những nội dung chính sau:
- Mở bài: Nêu tên, lí do chọn vấn đề nghiên cứu, các kết luận chính của báo cáo kết quả nghiên cứu.
- Triển khai: Tóm tắt các luận điểm chính, lựa chọn một hoặc một vài phương tiện phi ngôn ngữ để minh họa, nhấn mạnh thông tin chính cũng như thu hút sự chú ý của khán giả.
- Kết luận: Khái quát những kết quả nghiên cứu chính, gợi mở các hướng đi mới của đề tài, thể hiện một thái độ sẵn sàng đối thoại một cách chân thành, cởi mở.
3. Trao đổi, đánh giá
Người nói | Người nghe |
---|---|
- Lắng nghe, trả lời câu hỏi và phản hồi về những phản biện của người nghe. - Tự đánh giá, sửa chữa, hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu. | - Đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu sâu thêm về đề tài. - Phản biện lại những nội dung vừa trình bày hoặc đưa ra một cách kiến giải khác, một nguồn thông tin khác về vấn đề. |
Để đánh giá được một bài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu, có thể tham khảo các gợi ý trong bảng sau:
Đáp án
Lịch sử, văn hóa, xã hội và giáo dục người Chăm ở Việt Nam
1. Đặt vấn đề
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, lịch sử vương quốc Champa đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, công bố thành sách, tạp chí. Sau năm 1975, xuất hiện các tác giả Việt Nam, không dừng lại ở việc tìm tòi, bổ sung thêm tư liệu mà còn khám phá ra cái mới như lắp vào khoảng thiếu sót của các nhà nghiên cứu tiên phong chưa làm được. Những công trình về sau đã đi vào từng mảng, lĩnh vực thuộc đời sống, văn hóa, xã hội, lễ hội đến sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Giải quyết vấn đề
Trước hết, là những ghi chép về Champa trong lịch sử Trung Quốc được tìm thấy trong bộ sử Hán thư, Lương sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử… Các nhà nghiên cứu đều dựa vào những nguồn sử liệu này để dựng lại lịch sử Lâm Ấp-Hoàn Vương-Chiêm Thành. Những tư liệu của Trung Quốc viết về phong tục tập quán của người Chăm xưa không có tính hệ thống, rời rạc và sơ sài, nhiều khi thiếu chính xác. Kế đến là những nghiên cứu, khảo sát thực địa của người Pháp. Tư liệu cổ nhất của người Châu Âu viết về người Chăm có lẽ là của một người gốc Italia tên là Marco Polo. Ông làm quan dưới triều đại Mông-Nguyên của Hốt Tất Liệt. Năm 1298, sau một lần được cử đi làm sứ giả ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Champa, ông đã ghi chép khá tỉ mỉ về người Chăm và đời sống của họ trong cuốn Lelivre de Marco Polo (cuốn sách của Marco Polo) (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Vào thế kỉ XIV, một số linh mục đi truyền giáo đã đến Champa. Linh mục Odoric de Pordennone có ghi chép về phong tục, tập quán của người Chăm trong cuốn sách Những cuộc viễn du sang châu Á xuất bản tại Paris.
Những tư liệu lịch sử của Việt Nam liên quan đến Chiêm Thành có thể tìm thấy trong Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư và một số sử liệu của các triều đại Việt Nam từ Lý-Trần đến triều Nguyễn. Nhưng những sử liệu nói trên chủ yếu nói về việc triều cống, giao tranh, hòa hiếu (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Mặc dù vậy, đó là những ghi chép thành văn chính thống rất quan trọng để đối chiếu với ghi chép trên văn bia của Champa. Trần Quốc Vượng chủ biên cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (2008) đã dành một phần nói về không gian vùng văn hóa Trung Bộ, chủ yếu đề cập về không gian văn hóa Chăm ở khu vực này. Cuối cùng, là Trương Sỹ Hùng với tác phẩm Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á (2010), phân tích yếu tố Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo Chăm. Từ đó, làm nổi bật lên đặc điểm, vai trò trong sáng tác văn chương của người Chăm trong tác phẩm Deva Mưnô, Inra Patra, Ariya Cam – Bini,… Trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam (2004) tác giả Huỳnh Công Bá đã dành hai chương để trình bày về quá trình giành độc lập của Champa, phân tích những đặc điểm cơ bản về thể chế chính trị, đời sống văn hóa, xã hội. Đặc biệt nhấn mạnh vào quá trình hội nhập của người Chăm vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Phan Thành Long chủ biên công trình Lí luận giáo dục (2010), nội dung chính của cuốn sách trình bày về quá trình giáo dục, nguyên tắc giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Đây là vấn đề có tính chất lí luận mà khi nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục không thể bỏ qua.
3. Kết luận
Tóm lại, các công trình nghiên cứu về lịch sử và nền văn minh Champa được xuất bản thành sách, báo và tạp chí rất đa dạng và phong phú, được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau. Nhưng chưa có công trình khảo cứu nào đề cập đến vấn đề giáo dục của người Chăm trong lịch sử mang tính chất hệ thống và đầy đủ. Ngay cả, hình thức học tập và sinh hoạt nội trú của học sinh người Chăm nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung hiện nay cũng chưa có sự quan tâm, chú ý nhiều từ các nhà khoa học và các nhà quản lý giáo dục. Việc tổng luận các công trình nghiên cứu về người Chăm ở Việt Nam chưa phải là bảng thống kê đầy đủ các tác giả cũng như tác phẩm, mà chỉ phản ánh một phần giúp độc giả có cái nhìn tổng quát những hiểu biết về văn hóa Chăm.