Luyện tập và vận dụng

Trang 156

Đọc - Câu 1

157

Bạn hiểu như thế nào về nhan đề của bài thơ? Nhan đề ấy có ý nghĩa định hướng việc đọc tác phẩm như thế nào?

Đáp ánarrow-down-icon

     Ý nghĩa nhan đề Huyền diệu: một nhan đề thật độc đáo và mới mẻ, gợi nên sự bí ẩn và kì diệu, khiến cho độc giả cảm thấy thật thú vị đồng thời nhan đề còn có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng cho bạn đọc về việc thưởng thức tác phẩm.

Câu 2

157

Việc chọn câu thơ của Bô-đơ-le làm đề từ có ý nghĩa gì?

Đáp ánarrow-down-icon

     Ý nghĩa lời đề từ: Nguyên văn câu thơ này khi được dịch ra Tiếng Việt có nghĩa là “Hương thơm, màu sắc, âm thanh tương ứng với nhau” => Tác giả muốn nói đến sự hòa hợp giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh, đó chính là sự tương giao và là sự tương ứng giữa các giác quan với nhau, từ đó gợi ra một vẻ đẹp mới, một hình ảnh lạ cho thơ.

Câu 3

157

Nêu ấn tượng bao trùm về bài thơ và lí giải nguyên nhân đưa đến ấn tượng ấy.

Đáp ánarrow-down-icon

Ấn tượng: Tác giả đã cảm nhận rất rõ nét về những cảnh sắc xung quanh mình.

     Có ấn tượng như vậy vì: Xuân Diệu tha thiết, rạo rực bởi niềm say mê yêu đời, yêu cuộc sống, thèm sống đến mãnh liệt và thèm yêu đến điên cuồng với niềm khát khao được giao cảm với đời.

Câu 4

157

Những tri thức Ngữ Văn nào đã học cần được vận dụng để việc đọc và thưởng thức bài thơ đạt hiệu quả?

Đáp ánarrow-down-icon

Những tri thức Ngữ Văn cần vận dụng: Thơ trữ tình, cấu tứ thơ và yếu tố tượng trưng trong thơ.

Câu 5

157

Chỉ ra những kết hợp từ ngữ mà bạn cho là có tính chất khác thường trong bài thơ.

Đáp ánarrow-down-icon

Những kết hợp từ ngữ có tính chất khác thường:

- Lắng nghe em (đảo ngữ)

- Khúc nhạc thơm (từ thơm: chuyển từ khứu giác sang thính giác)

- Uống thơ tan trong khúc nhạc

-…

Câu 6

157

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nói về vẻ đẹp của bài thơ theo cảm nhận của bạn.

Đáp ánarrow-down-icon

Bài mẫu 1:

       Huyền Diệu là một trong những bài thơ nổi tiếng của Xuân Diệu được trích từ tập Thơ Thơ. Bài thơ Huyền Diệu viết về sự đầm thấm, âm điệu. Tác phẩm là sự cảm nhận của tác giả trong nhiều cung bậc cảm xúc bắt đầu từ “khúc nhạc thơm” đến người say rượu đêm tân hôn và rồi du dương một khúc nhạc hường, “nghe lẫn lộn ghé bên tai”, “lời chim”, “giọng suối”, “tiếng khóc người”..… Qua bài thơ, Xuân Diệu muốn nói đến sự hòa hợp giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh, đó chính là sự tương giao và là sự tương ứng giữa các giác quan với nhau, từ đó gợi ra một vẻ đẹp mới, một hình ảnh lạ cho thơ. Bài thơ được tác giả cảm nhận rất rõ nét những sắc cảnh xung quanh mình, từ “khúc nhạc thơm” làm say đắm lòng người “thấm tận qua xương tủy”, cái âm điệu thần tiên ấy làm cho tác giả “thấm tận hồn”. Hay như “khúc nhạc hường” đã dẫn lối chúng ta bước vào “thế giới của Du Dương”, khi đắm chìm trong đó “hoa” và “hương” sẽ phảng phất ngay bên. Từ “giọng suối” tới “lời chim” và “tiếng khóc người” hãy cứ để bản thân “uống thơ” và “tan trong khúc nhạc” sẽ thấy “ngọt ngào kêu gọi thuở xa khơi”. Và kể cả là khi khúc nhạc kia đã “ngừng im” thì hãy cứ cầm hơi mà lắng nghe trái tim, nó vẫn cứ “run hoài” như những “chiếc lá” cho dù “trận gió”, bão táp đã qua đi từ hồi nào.  Bài thơ chứa đựng cả bầu trời tâm tư cũng như cảm xúc của nhà thơ, qua đó đã thể hiện được nỗi niềm khát khao, mong ước hòa nhập với cuộc đời của tác giả Xuân Diệu. Tác phẩm là một thành công lớn đã góp phần không nhỏ trong việc đưa tên tuổi của nhà thơ vụt sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam.

Bài mẫu 2:

       Thơ chính là cái nôi để con người bày tỏ cảm xúc, thể hiện những khám phá của con người về thế giới nội tâm của chính mình. Xuân Diệu chính là một nhà thơ chân chính. Ông đã mang cái phát hiện mới lạ về sự hòa hợp giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh vào tác phẩm “Huyền diệu” của mình. Không phải ông là người nghĩ ra nó đầu tiên mà là văn hào người Pháp Bô-đơ-le là người đầu tiên phát hiện ra sự hòa hợp đến lạ thường đó. Việc ông đặt câu đề từ bằng thơ của Bô-đơ-le đã thể hiện một sự tôn trọng và gợi mở về chủ đề phía sau, khơi gợi sự tò mò nơi người đọc. Thế giới nội tâm của tác giả được thể hiện qua bài thơ khá đặc sắc khi ông có những sự kết hợp rất táo bạo và đôi khi là vô lý. Khúc nhạc gắn với hương thơm, mùi hương thấm tận vào xương tủy, rồi ngừng thở để cảm nhận hương hoa phảng phất đâu đây… Tất cả đều nghe có vẻ rất phi lý nhưng qua lời văn của tác giả, nó lại trở lên có lý và hòa hợp tuyệt vời. Mọi thứ dường như hòa quyện với nhau bằng một sợi dây nối lạ thường, mang theo một tâm hồn của một con người đa sầu đa cảm về cuộc đời. Đó chính là những cảm nhận tinh tế, sâu sắc xuất phát từ đáy lòng của tác giả. Chính bản thân ông đã khẳng định thơ là phải sáng tạo, tìm tòi và đưa ra những phát hiện mới mẻ, đó mới là nghệ thuật chân chính của thơ ca. 

Viết

157

Chọn một trong các đề sau
Đề 1. Để tạo nên thành công của một tác phẩm truyện, việc tác giả chọn được điểm nhìn độc đáo về đối tượng miêu tả, thể hiện giữ vai trò rất quan trọng. Hãy chọn phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo.

Đề 2. Giới thiệu và phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo.

Đề 3. Trình bày ý kiến của bạn về một vấn đề xã hội đang được nhiều người quan tâm và khiến bạn thực sự thấy trăn trở.

Đề 4. Lập đề cương cho báo cáo nghiên cứu về một vấn đề bạn muốn tìm hiểu và có điều kiện thu thập tài liệu.

Đáp ánarrow-down-icon

Đề 1

       Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn mãi. Vì thế, đề tài hậu chiến không còn xa lạ trong nền văn học Việt Nam. Là một nhà văn quân đội, tác giả Sương Nguyệt Minh đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực, sắc nét về đề tài này qua truyện ngắn “Người ở bến sông Châu”. Đọc tác phẩm, ta có thể thấy được sự tìm tòi và sáng tạo của nhà văn về hình thức tổ chức điểm nhìn, người kể chuyện độc đáo.

       Trước hết, tác giả đã đa dạng hóa, di chuyển điểm nhìn linh hoạt. Sương Nguyệt Minh mượn quan điểm, thái độ, cảm nhận của nhân vật Mai để kể chuyện. Tuy nhiên, đôi lúc, ông lại dịch chuyển điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong (nhân vật Mai) và ngược lại. Nhờ đó, độc giả dễ dàng nhìn rõ cuộc đời và con người các nhân vật từ những góc độ, cự li khác nhau.

       Lựa chọn nhiều điểm nhìn để kể đã giúp cho câu chuyện trở nên khách quan hơn. Qua lời kể của Mai, cuộc đời của dì Mây được tái hiện sâu sắc. Dì Mây là nữ y tá Trường Sơn. Ngày mà dì trở về cũng là ngày người yêu cô - chú San đi lấy vợ. Mặc dù vẫn còn yêu chú San nhưng dì Mây nhất quyết cự tuyệt đoạn tình cảm này. Hành động “bật dậy, chống nạng gỗ cộc cộc đi vào sân” bỏ mặc chú San ở lại đã thể hiện sự dứt khoát của dì Mây. Dì Mây nhận thiệt thòi về mình để chú San được hạnh phúc. Đêm đến “dì ngồi rất lâu trước ngọn đèn dầu tù mù. [...] Dì ngồi như tượng”. Thật ra, dì Mây đang cố gắng buông tay để vun vén cho đôi vợ chồng mới. Những ngày sau đó, dì Mây vẫn luôn nhớ về những kỉ niệm cũ với chú San. Mai cảm nhận rất rõ tâm trạng của dì Mây trong khoảng thời gian ấy “dì Mây buồn lắm, cứ tha thẩn đi ra đi vào, lúc tư lự ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi cắm cơm”.

       Qua lời kể của Mai, người đọc còn cảm nhận được những phẩm chất tốt đẹp của dì Mây. Trước tiên, dì Mây là người phụ nữ có tấm lòng chung thủy. Suốt một thời gian dài ở chiến trường, dì luôn nhớ mong chú San “Ngày ở Trường Sơn, trang nhật kí nào cũng viết tên anh”. Có lẽ, trong trái tim dì Mây chỉ có một người đó là chú San. Từ chiến trường trở về, dì Mây bị mất một chân do mảnh đạt phạt vào. Nhưng vượt lên trên khó khăn, dì luôn giúp đỡ mọi người. Những đêm mưa, dì Mây không quản khó khăn, tận tình đến nhà khám bệnh cho mọi người. Hơn nữa, dì còn sẵn sàng giúp vợ chú San vượt cạn. Ở trong hoàn cảnh đó, thật khó cho dì nhưng dì vẫn ân cần giúp đỡ. Đặc biệt, khi thím Ba mất, dì đã dành tất cả yêu thương để nhận nuôi thằng Cún như con đẻ của mình.

       Bằng những điểm nhìn linh hoạt, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận chân thực cuộc đời của dì Mây. Qua đó, khơi gợi cho người đọc sự cảm thông, trân trọng với số phận con người thời hậu chiến. Trong tác phẩm, đôi khi, tác giả sẽ trực tiếp là người dẫn chuyện chứ không phải là nhân vật Mai. Điều này giúp cho câu chuyện được kể rất linh hoạt, tự nhiên. Bước ra khỏi chiến tranh, hậu quả để lại cho con người không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Tác phẩm giúp người đọc cảm nhận rõ nỗi đau khổ, bất hạnh của con người. Từ ấy, gửi gắm bài học về lòng biết ơn đến các thế hệ đi trước đã dũng cảm hi sinh bảo vệ Tổ quốc.

Đề 2

       “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh là tập thơ ghi lại cảm xúc trong chuỗi ngày bị giam hãm ở nhà lao Trung Quốc. Đọc thơ của Hồ Chí Minh, người đọc nhận ra những dòng cảm xúc rất bình dị, đời thường. “Mộ” là một bài thơ như vậy, tái diễn lại một khoảnh khắc khi sắp kết thúc một ngày, là chiều tối.

       Bài thơ “Mộ” ghi lại khoảnh khắc mà Hồ Chí Minh đi từ nhà lao Thiên Bảo đến Long Tuyền vào năm 1942. Cảm hứng chủ đạo chính là bức tranh và phông nền của thiên nhiên lúc về chiều, khi hoàng hôn sắp buông xuống. Phải thật tinh tế, sâu sắc, Hồ Chí Minh mới có thể diễn tả một cách đắc điệu nhịp sống nhẹ nhàng nơi núi rừng như vậy.

       Nguyên tác của bài thơ như sau:

              Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
              Cô vân mạn mạn độ thiên không
              Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
              Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

       Hai câu thơ đầu như một nét vẽ chấm phá tạo khiến cho cảnh bầu trời về chiều hiện lên rõ nét và mang một nỗi buồn man mác:

              Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
              Tầng mây trôi nhẹ giữa tầng không

       Nỗi buồn như loang nhẹ, lan ra cả hai câu thơ khiến cho giọng thơ trở nên chùng xuống và tâm sự của tác giả dường như đẩy lên cao. Cánh chim khi chiều tà cũng trở nên “mỏi” đi tìm chốn ngủ. Một cánh chim đơn lẻ, đi lạc giữa rộng dài của bầu trời khiến người đọc có cảm giác như Hồ CHí Minh đang liên tưởng đến cuộc sống của người hiện tại. Cảnh tù đày bí bách, kìm hãm khiến Hồ Chí Minh khát khao có được một nơi chốn bình yên và ấm áp nhất để tìm về.

       Hình ảnh “tầng mây trôi nhẹ” diễn tả sự vận động nhẹ nhàng, tinh tế của thiên nhiên đất trời. Nhịp thơ trở nên chậm, rất chậm và có lẽ lòng người cũng đang chậm.

       Chỉ với hai câu thơ cũng đủ để cho người đọc nhận ra được khát khao muốn được như tầng mây đó, cứ trôi đi, không phụ thuộc, không phải chịu cảnh gông tù.

       Thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh luôn hiện lên nhẹ nhàng nhưng chất chứa nỗi niềm như vậy.

       Đến hai câu thơ sau dường như bừng lên một tia sáng và thấy thấp thoáng bóng dáng con người:

              Cô em xóm núi xây ngôi tối
              Xay hết lò than đã rực hồng

       Mặc dù phần dịch thơ không thực sự bám sát và lột tả hết được tâm trạng cũng như con người trong bức tranh mang màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại này.

       Chỉ bằng một nét vẽ tinh tế tác giả đã vẽ lên bức tranh bình dị của cuộc sống người dân nơi chân núi. Hành động “xay ngô” dường như là việc làm thường ngày của con người ở đây. Tuy bình dị nhưng ấm áp và tràn đầy tin yêu. Có thể nói trong cảnh gông cùm như thế này, Hồ Chí Minh rất khao khát có được một nơi để trở về bình dị như thế này.

       Đến câu thơ cuối, người đọc nhận ra một sự chuyển động rất nhẹ và một nét sáng bừng lên cả bài thơ. Khi cô gái vùng sơn cước xây hết ngô thì lò than đã rực hồng. Một sự chuyển tiếp nhẹ nhàng, đều đặn hằng ngày. Giữa vùng núi hoang lạnh, khi mặt trời tắt, hoàng hôn loang xuống hình ảnh “lò than” hiện lên dường như làm sáng cả không gian và ấm áp trái tim Người. Có thể nói việc xây dựng hình ảnh cô em xóm núi và lò than dường như là một nỗi niềm thầm kín của tác giá. Đó là hiện thân của một mái ấm gia đình hạnh phúc, chứa chan yêu thương, và đó cũng chính là lòng mong mỏi của Hồ Chí Minh.

       Bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh là bài thơ vừa mang màu sắc cổ điển vừa mang màu sắc hiện đại đã mang đến dấu ấn riêng, đặc trưng. Bài thơ chính là tâm sự, là ước muốn nhỏ nhoi có thể thoát khỏi chốn gông cùm, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Đề 3

       Xã hội đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế… Chính sự phát triển như vũ bão này lại là tác nhân khiến cho thái độ sống của con người với nhau trở nên xa lạ, không còn thân thiết. Bởi guồng quay cuộc sống kéo họ vào những bận rộn, hối hả đời thường. Và thái độ sống vô cảm, thờ ơ cũng từ đó mà hình thành nên.

       Trước hết chúng ta cần hiểu rõ vô cảm là như thế nào? Và tại sao lại gọi vô cảm là “bệnh”. Người ta chỉ gọi bệnh ho, bệnh lao, bệnh ngoài da… có thể dùng thuốc để chữa nhưng vô cảm cũng là một loại bệnh. Chắc hẳn có ý ẩn dụ gì đằng sau câu chữ đó. Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ đối với cuộc sống, với những người ở xung quanh chúng ta. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác.

       Hiện nay khi đất nước ngày càng phát triển thì vô cảm càng dễ dẫn đến thành một loại bệnh. Cần phải tìm “phương thuốc” để chữa trị, xích gần hơn nữa tình cảm giữa người với người, phương pháp ấy sẽ xóa bỏ được lối sống lãnh đạm, thờ ơ này ở con người trong xã hội này.

       Căn bệnh vô cảm khi đã tồn tại trong con người thì sẽ ăn sâu, bám rễ không chịu buông. Mỗi người cần có cách thức, có phương pháp để hạn chế căn bệnh nguy hiểm có thể ăn mòn trái tim của mỗi người.

       Bệnh vô cảm xuất hiện trong đời sống hiện đại ngày càng nhiều, đó chính là thái độ, cách ứng xử giữa người với người. Họ không còn thân thiết, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện mà đã trở nên vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ, không còn quan tâm nhiều đến cuộc sống của nhau nữa.

       Những người con xa nhà lâu ngày, bị cuốn vào guồng quay của công việc nên việc hỏi thăm cha mẹ thường xuyên cũng thưa dần. Rồi những lần gọi điện, những lần về thăm cứ cạn vơi theo năm tháng. Như thế chúng ta đang vô tình khiến cho trái tim mình, cho bản thân mình vô cảm với những người thân yêu nhất. Vô cảm thật đáng trách, đáng giận nhưng nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm, biết sửa chữa, biết hỏi thăm cuộc sống của nhau thì thật đáng quý. Con người ai cũng có lỗi lầm, chỉ cần biết nhận sai và sửa sai.

       Hiện nay, có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khi con người cứ lạnh nhạt, vô tâm với nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống; có người giàu sang, có người khốn khó, biết trách ai được.

       Chiều nay khi đi trên phố, tôi thấy có một đôi vợ chồng trẻ đi trên chiếc xe Sh sang chảnh. Họ đi qua khu chợ ồn ào, náo nhiệt, cười nói rất vui vẻ. Họ bắt gặp một bà lão già mắt kèm nhèm dắt theo một đứa cháu nhỏ chân không đi dép mặc bộ quần áo rách rưới. Họ ngả chiếc nón trước mắt hai vợ chồng kia xin vài ba đồng. Nhưng hai bà cháu nhận lại là ánh mắt khinh khỉnh, không quan tâm. Hai vợ chồng ấy mang theo hương nước hoa thơm lừng, bỏ lại sau lưng thái độ lạnh lùng đến vô tâm. Như vậy đó, vô cảm chỉ là những biểu hiện nhỏ nhặt trong cuộc sống như vậy nhưng chúng ta đâu phải ai cũng có đủ tâm để nhận ra.

       Con người ta sống ở trên đời cần phải yêu thương, chia sẻ cho nhau những lúc khốn khó. Thấy nỗi khổ của người khác như nỗi khổ của bản thân mình thì mới có thể giúp đỡ một cách thực tâm được. Cũng bởi vì thái độ sống thờ ơ, lạnh nhạt nên cuộc sống của họ thiếu đi tình yêu thực tâm nhất.

       Đối với thế hệ trẻ thì thái độ sống vô cảm cần phải ngăn chặn trước. Vì tương lai đất nước cần những con người tài giỏi và biết sẻ chia, biết yêu thương đồng loại. Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta có thể dùng chính trái tim mình để sưởi ấm những trái tim khác đang đầy những vết xước hơn.

       Vô cảm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ sự phát triển quá nhanh của xã hội khiến cho con người không bắt kịp được. Cũng từ đó họ bị cuốn sâu vào sự bộn bề, lo toan mà quên mất đi tấm lòng yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh mình.

       Vô cảm có thể sẽ thành thói quen nếu như chúng ta không kịp ngăn chặn và từ bỏ. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần phải tự nhận thức được suy nghĩ của bản thân mình. Rằng khi yêu thương và sẻ chia thương yêu thì chúng ta sẽ thấy bản thân mình sống có ích, sống tốt đẹp hơn.

Đề 4

Nghệ thuật thời Phục hưng

1. Đặt vấn đề

       Nghệ thuật phục hưng đó là một phong cách nghệ thuật bao gồm hội họa, điêu khắc và kiến ​​trúc xuất hiện ở châu Âu vào khoảng năm 1400; cụ thể là ở Ý. Nghệ thuật là một trong những số mũ chính của Phục hưng Châu Âu. Trong giai đoạn này, ông bắt đầu nhận ra những nghệ sĩ vẫn còn nổi tiếng, như Boticelli, Giotto và van der Weyden.

2. Giải quyết vấn đề

Sự cải tiến của hội họa

       Trong thế kỷ mười lăm, một số họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan đã phát triển những cải tiến cho cách tạo ra tranh sơn dầu. Trong thời kỳ Phục hưng, các nghệ sĩ Ý đã sử dụng các kỹ thuật mới của Hà Lan để cải thiện các bức tranh của họ.

       Hiện tượng này có ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian của các tác phẩm nghệ thuật, ngoài ra đã mang lại những thay đổi đáng kể cho bức tranh trên toàn thế giới.

       Ngoài ra, thời Phục hưng phần lớn là do sự hiện diện của các nhân vật người Ý xuất sắc. Nhiều người trong số này được coi là giỏi nhất mọi thời đại về tầm ảnh hưởng, như Piero della Francesca và Donatello.

       Sự hiện diện của những nghệ sĩ này làm cho chất lượng nghệ thuật nói chung được cải thiện đáng kinh ngạc, bởi vì ngay cả các họa sĩ ít nổi tiếng cũng được truyền cảm hứng từ sự xuất hiện của các kỹ thuật mới để cải thiện sáng tạo của riêng họ.

Sự tái hiện của các văn bản cổ điển

       Một trong những ảnh hưởng chính của văn học Phục hưng là sự xuất hiện lại của các văn bản thời trung cổ đã bị mất trong Thời đại đen tối của nhân loại.

       Những người văn học nghiên cứu các văn bản này đã sử dụng ảnh hưởng của họ để cải thiện các tác phẩm của họ và mang lại một liên lạc cũ cho phong trào, mà vào thời đó là đương đại.

Kiến trúc

       Ý tưởng của các kiến ​​trúc sư thời Phục hưng đã đi ngược lại với ý tưởng của người Gothic về việc tạo ra các cấu trúc với mức độ phức tạp cao trong thiết kế và chiều cao tuyệt vời của họ. Thay vào đó, họ bám vào các ý tưởng cổ điển về việc tạo ra các cấu trúc sạch sẽ đơn giản nhất có thể. Điều này dẫn đến việc tạo ra kiến ​​trúc tròn.

Điêu khắc

       Giống như hội họa, điêu khắc thời Phục hưng thường được định nghĩa bởi các đặc điểm giống như các tác phẩm điêu khắc trước thời Trung cổ… Các tính năng của mỗi người được truyền cảm hứng rõ ràng từ điêu khắc cổ điển và mục đích là tìm ra một mức độ chân thực cao hơn trong mỗi tác phẩm thông qua một chạm khắc theo tỷ lệ giải phẫu.

3. Kết luận

       Các tác phẩm của thời Phục hưng tập trung vào niềm tin nhân văn rằng những hành động đúng đắn là chìa khóa của hạnh phúc, những ảnh hưởng tôn giáo mà khái niệm này có thể bị bỏ qua một bên…

Tài liệu tham khảo

1. Phục hưng, bách khoa toàn thư về thế giới hiện đại buổi đầu, 2004. Lấy từ bách khoa toàn thư.com

2. Nghệ thuật Phục hưng Ý & Nghệ sĩ Phục hưng, Trang web Nghệ thuật Phục hưng, (n.d.). Lấy từ renaissanceart.org

3. Nghệ thuật và kiến ​​trúc Phục hưng, Nghệ thuật Oxford, (n.d.). Lấy từ oxfordartonline.com

4. Phục hưng, điêu khắc phương Tây; Bách khoa toàn thư Britannica, (n.d.). Lấy từ brittanica.com

5. Điêu khắc Phục hưng, Nhân văn thiết yếu, 2013. Lấy từ Essential-humanities.net

Nói và nghe

157

Chọn thực hiện theo nhóm học tập một trong các nội dung sau:

Nội dung 1. Giới thiệu một tác phẩm truyện nổi tiếng đang được giới trẻ quan tâm tìm đọc.

Nội dung 2. Có những tác phẩm nghệ thuật nào từng để lại ấn tượng sâu sắc với bạn? Hãy nói về tác phẩm ấy.

Nội dung 3. Thảo luận về cách thực hành “lối sống xanh”.

Đáp ánarrow-down-icon

Nội dung 1

       Trước một tác phẩm truyện, mỗi người đọc có thể có những cảm nhận, quan điểm riêng biệt, những đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó. Đến với bài nói ngày hôm nay tôi xin giới thiệu, đánh giá về nội dung, nghệ thuật truyện ngắn “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân. 

       Trước hết tôi sẽ trình bày lí do vì sao tôi lựa chọn tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân để giới thiệu đến các bạn. Thứ nhất, Nguyễn Tuân được đánh giá là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”, ông có vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng ông thoát li hiện thực, tìm về một thời vang bóng, tập “Vang bóng một thời” chính là tập truyện tiêu biểu nhất cho phong cách của ông trước cách mạng. Trong đó ta không thể không nhắc đến “Chữ người tử tù” với niềm trân trọng thú viết chữ tao nhã truyền thống. Thứ hai, truyện ngắn này được đánh giá là một tác phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ. 

       “Chữ người tử tù” được in trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940, tác phẩm khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn có tên “Dòng chữ cuối cùng”, sau in thành sách đổi thành “Chữ người tử tù”. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh, ngợi ca. “Người tử tù” là đại diện của cái xấu, cái ác, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Ngay từ nhan đề đã chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra tình huống truyện éo le, gợi dậy sự tò mò của người đọc. Qua đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái đẹp, cái tài, khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc đời.

       Tác phẩm có tình huống gặp gỡ hết sức độc đáo, lạ, chúng diễn ra trong hoàn cảnh nhà tù, vào những ngày cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, một người mang chí lớn và tài năng lớn nhưng không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật cũng có nhiều đối nghịch. Huấn Cao kẻ tử từ, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và trân trọng cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Với tình huống truyện đầy độc đáo, đã giúp câu chuyện phát triển logic, hợp lí đẩy lên đến cao trào. Qua đó giúp bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề của truyện: Sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của cái đẹp. Sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.

       Nổi bật trong tác phẩm chính là Huấn Cao, người có tài viết chữ đẹp và nổi tiếng khắp nơi: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” tiếng tăm của ai khiến ai ai cũng biết đến. Cái tài của ông còn gắn liền với khát khao, sự nể trọng của người đời. Có được chữ của Huấn Cao là niềm mong mỏi của bất cứ ai, được treo chữ của ông trong nhà là niềm vui, niềm vinh dự lớn. Cái tài của Huấn Cao không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường mà đã đạt đến độ phi thường, siêu phàm.

       Không chỉ tài năng, vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. “Khoảnh” ở đây có thể hiểu là sự kiêu ngạo về tài năng viết chữ, bởi ông ý thức được giá trị của tài năng, luôn tôn trọng từng con chữ mình viết ra. Mỗi chữ ông viết như một món quà mà thượng đế trao cho bản thân nên chỉ có thể dùng những chữ ấy để trao cho những tấm lòng trong thiên hạ. Trong đời ông, ông không vì uy quyền mà trao chữ cho ai bao giờ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đặc biệt, tấm lòng thiên lương ấy còn thể hiện trong việc ông đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tấm lòng của Huấn Cao với những con người quý trọng cái đẹp, cái tài.

       Ở Huấn Cao ta còn thấy được trong ông vẻ đẹp của một con người có nghĩa khí, khí phách hơn người. Ông là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản, đối đầu với triều đình. Khi bị bắt ông vẫn giữ tư thế hiên ngang, trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng… Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kính chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

       Và đẹp đẽ nhất là cảnh cho chữ, cả ba vẻ đẹp của ông được hội tụ và tỏa sáng. Trên tấm vải trắng còn nguyên vẹn lần hồ, chữ Huấn Cao “vuông tươi tắn” nói lên hoài bão, tung hoành của một con người có khí phách. Ông không để tâm đến mọi điều xung quanh chỉ tập trung vào việc tạo ra những nét chữ tuyệt tác. Với việc quản ngục xin chữ, Huấn Cao cũng hiểu ra tấm lòng của quản ngục, trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

       Viên quản ngục là người có số phận bi kịch. Ông vốn có tính cách dịu dàng, biết trọng những người ngay thẳng, nhưng lại phải sống trong tù – môi trường chỉ có tàn nhẫn, lừa lọc. Nhân cách cao đẹp của ông đối lập với hoàn cảnh sống tù đầy, bị giam hãm. Ông tự nhận thức về ki kịch của mình, bi kịch của sự lầm đường lạc lối, nhầm nghề. Nhưng dù vậy, trong quản ngục vẫn giữ được tâm hồn cao đẹp, tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, và nếu không xin được chữ ông Huấn quả là điều đáng tiếc. Nhưng xin được chữ của Huấn Cao là điều vô cùng khó khăn: bản thân ông là quản ngục, nếu có thái độ biệt nhỡn, hay xin chữ kẻ tử tù – Huấn Cao, chắc chắn sẽ gặp tai vạ. Hơn nữa Huấn Cao vốn “khoảnh” không phải ai cũng cho chữ.

       Trong những ngày cuối cùng của ông Huấn, quản ngục có hành động bất thường, biệt nhỡn với người tử tù. Cũng như Huấn Cao, vẻ đẹp tâm hồn của quản ngục được thể hiện rõ nhất ở đoạn cho chữ. Ông trân trọng, ngưỡng mộ nên đã bất chấp tất cả để tổ chức một đêm xin chữ chưa từng có. Ba con người, ba nhân cách cao đẹp chụm lại chứng kiến những nét chữ dần dần hiện ra…, viên quản ngục khúm núm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, với thái độ sùng kính, ngưỡng mộ cái đẹp. Trước những lời giảng giải của Huấn Cao, viên quản ngục chắp tay vái người tù một vái, “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

       Tác phẩm đã sáng tạo tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thiên lương, khí phách và trọng đãi người tài. Đồng thời tác phẩm cũng thành công khi Nguyễn Tuân đã gợi lên không khí cổ xưa nay chỉ còn vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm, thong thả, góp phần phục chế lại không khí cổ xưa của tác phẩm. Bút pháp đối lập tương phản vận dụng thành thục, tài hoa.

       Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng chân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó kín đáo bộc lộ lòng yêu nước. Với nghệ thuật xây dựng tình huống đắc sặc, ngôn ngữ tài hoa đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

Nội dung 2

       Nam Cao được biết đến là một cây bút tài hoa trên diễn đàn văn học Việt Nam, những tác phẩm ra đời mang màu sắc hiện thực sâu sắc. Những tác phẩm của ông mang cái nhìn về thời đại và cuộc sống hoàn toàn mới,cũng như hình ảnh trong các tác phẩm cũng đa dạng và phong phú,mang những mảng tính cách mà sự pha trộn sáng tối lại như được tương phản rõ rệt. Chí Phèo là một tác phẩm điển hình khi nhắc tới Nam Cao. Đây là câu chuyện về đoạn cuối cuộc đời của một con người trong xã hội thực dân phong kiến diễn ra và được ghi lại bởi Nam Cao, câu chuyện cũng gợi một những ý nghĩa nhân văn sâu sắc

       Tác phẩm mở đầu thật đặc sắc và đầy ấn tượng với tiếng vừa đi vừa chửi của Chí Phèo, và xung quanh hắn chỉ có mấy con chó đứng chầu chực sủa. Ngoài mấy con chó, không có ai đáp lời hắn. Mở đầu truyện ngắn rất đỗi tài tình và tự nhiên, giống như chúng ta đang chứng kiến khung cảnh ấy vậy. Những âm thanh hay cụ thể là những tiếng chửi của Chí Phèo lại làm cho mọi thứ trở nên sống động,mọi hình ảnh như mở ra trước mắt.Có thể nói hình ảnh Chí say rượu, vừa đi vừa chửi,chửi những gì mà hắn thấy. Có lẽ, dường như mọi người ở cái làng Vũ Đại đã quen với hình ảnh này của nó, cho nên cứ khi nào hắn chửi mọi người cũng chẳng để ý và nghĩ rằng:” chắc hắn trừ mình ra”. Tới đây ắt hẳn mọi người lại ngạc nhiên tại sao hắn lại có hành động như vậy, theo thông thường người ta chửi bới khi uất ức một chuyện gì hay quá áp lực. Quả là như vậy,hắn vốn là đứa trẻ từ khi mới đẻ ra đã bị bỏ rơi trong cái lò gạch bỏ hoang, được người làng nhặt về nuôi, đi ở cho nhiều nhà khác nhau, cuối cùng đến năm 20 tuổi thì về làm canh điền cho Lí Kiến. Vì ghen tuông với sự trẻ trung lực lưỡng của hắn và vì bà Ba để ý tới hắn, nên Bá Kiến tìm cách bỏ tù hắn, để hắn không thể xuất hiện nữa. Như có một sự vô cớ, Chí Phèo vốn dĩ là một người lương thiện, nghèo đói nên đi ở, nhưng trong xã hội đó,ai có tiền có quyền người đó được làm mọi thứ, và cứ thế từ một con người lương thiện, Chí dần bị đẩy vào con đường tha hóa và lưu manh hóa.

       Sau khi được thả tù, bộ dạng Chí thay đổi hẳn,với cái đầu cạo trọc và hàm răng trắng hếu, trên mặt hiện lên vết sẹo dài. Trông hắn chẳng khác gì một con quỷ, quỷ đội lốt trong hình hài của một con người. Và người hắn tìm đến đầu tiên không ai khác chính là Bá Kiến.Khi biết Chí đứng trước nhà mình vừa say vừa ăn vạ, Lí Cường ra mắng hắn,nhưng ngay sau đó,Chí Phèo đã rạch mặt, những vết máu trên khuôn mặt đầy sẹo dọc ngang nằm trước cổng nhà Bá Kiến dưới nhiều con mặt dò xét của người dân nơi đây.Khác với Lí Cường, Bá Kiến là người khôn khéo,khi thấy hình ảnh đó, quay sang Lí Cường mắng sa sả như tỏ ra nhượng bộ, rồi đỡ Chí Phèo dậy. Hắn biết tên Chí Phèo luôn luôn ưa nhẹ,lại thích được mềm mỏng nên sau đó hắn đã mời Chí vào nhà và cho ăn uống hậu hĩnh. Lần thứ hai, Chí đến nhà Bá Kiến xin đi ờ tù lần nữa vì Chí cho rằng đi tù còn có cơm ăn, ở làng mảnh đất cắm dùi cũng không có mà cái ăn cũng không, Bá Kiến lợi dùng cơ hội này nhờ hắn đi đòi nợ Đội Tảo 50 đồng và hứa sẽ,có vườn cho Chí. Sau khi Chí đã hoàn thành công việc được giao, Bá Kiến cho vài hào uống rượu và cắt cho hắn 5 sào vườn ở bãi sông. Bắt đầu từ lúc này Chí bỗng nhiên trở thành kẻ đâm thuê chém mướn, một công cụ đắc lực của Bá Kiến nhằm ức hiếp dân lành và thanh toán những kẻ có máu mặt trong làng nhưng không cùng vây cánh.

       Dường như cuộc sống và con người của Chí Phèo lúc này đây đã thực sự thay đổi khi một lần trong lúc uống say ,hắn trở về túp lều ven sông định bước xuống tắm, tình cờ nhìn thấy Thị Nở đang nằm ngủ. Thị Nở được khắc họa là người nghèo rót mồng tơi, xấu ma chê quỷ hờn lại ngẩn ngơ như người đần trong cổ tích và Họ đã ăn nằm với nhau và thứ tình cảm đó đánh thức tình cảm bình thường cùng mong muốn làm một người bình thường trong Chí. Có lẽ hình ảnh bát cháo hành của Thị như liều thuốc tiên đánh thức con người lương thiện luôn giấu kín trong một bộ dạng quỷ dữ của hắn. Cái mùi cháo hành thơm kia như đã bốc lên và cử chỉ quan tâm của Thị đã khiến chí bùi ngùi và chợt nhận ra, anh muốn có một gia đình, với vợ dệt vải chồng đi làm, cứ thế cuộc sống êm đềm trôi qua. Nhưng, dường như niềm vui sướng chưa được bao lâu thì người bà cô đã khuyên Thị không nên ở với hắn,rồi Thị cũng là người duy nhất quay lưng lại với hắn thì cuối cùng cũng bỏ đi. Chiếc thang bắc cầu cho lòng lương thiện của Chí được sang bến bờ được sống như một người bình thường giờ đây hắn cũng không còn nữa. Chính vì thế,mà Chí Phèo đã mang dao tới nhà bá Kiến kết thúc đời bá Kiến và sau đó cũng tự sát, hắn không còn một lựa chọn nào khác.khi nghe được tin này, nhiều người tỏ ra hả hê, còn riêng Thị Nở lại nhìn xuống bụng và nghĩ tới cái lò gạch bỏ hoang không người qua lại.

       “Chí Phèo” là một trong những truyện ngắn đặc sắc mà dường như dung lượng hiện thực được phản ánh trong trạng thái dồn nén, chứa nhiều mâu thuẫn, với nhiều nhân vật, và tình huống khác nhau…tác phẩm như mang tầm vóc của một tiểu thuyết. Chúng ta có thể dễ nhận thấy và phân tích theo vấn đề ý nghĩa nhân sinh của truyện, có thể phân tích theo tuyến nhân vật, hoặc cũng có phân tích-từng mối quan hệ giữa nhân vật chính là Chí Phèo với làng Vũ Đại và một số nhân vật có quan hệ trực tiếp (Bá Kiến, thị Nở). Dù là theo cách nào đi chăng nữa thì tất cả đều làm nổi bật nghệ thuật xây dựng tình huống, nghệ thuật miêu tả nhân vật và ngôn ngữ truyện.

       Dường như hình ảnh làng Vũ Đại được ví như một hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng ,hiện thực cuộc sống được khơi ra từ những tình huống truyện đặc sắc và những chi tiết nhỏ nhất nhưng khiến độc giả không thể bỏ qua. Truyện ngắn “Chí Phèo” mở đầu và kết thúc theo kết cấu vòng, khi mở đầu truyện với hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang thì kết thúc truyện cũng như vậy, đó là chi tiết khi biết chí phèo tự sát, Thị Nở bỗng đã nhìn ngay xuống bụng mình và lại nghĩ ngay tới hình ảnh cái lò gạch, không biết một cuộc sống sẽ bắt đầu như thế nào, kết thúc mở khiến cho độc giả có nhiều liên tưởng thú vị. Ngôn ngữ trong tác phẩm là một điều không thể bỏ qua, lời trần thuật được xáo trộn, lắp ghép, đan xen không tuân theo trình tự tuyến tính của.cốt truyện. Nam Cao dường như đã bắt đầu bằng hình ảnh Chí khật khưỡng say và vừa đi vừa chửi. Chân dung nhân vật bước đầu hiện ra với những đường nét thật ấn tượng, buộc người đọc chú ý ngay từ khi mới đặt tay lên trang giấy. Ông đã thật tài tình khi đan xen, trộn lẫn lời nhân vật và lời người kể truyện, nhiều đơn vị lời văn có thể là của nhân vật vừa là của người kể chuyện. Thông qua đây, việc sử dụng này có ý nghĩa rất lớn đến việc đi sâu vào thẻ giới nội tâm rất phức tạp và tinh tế của nhân vật. Chính bởi nhờ vậy chân dung nhân vật hiện ra hết sức chân thực và sống động.

Nội dung 3

       Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến ta phải suy nghĩ về việc mỗi người cần phải hành động vì một “lối sống xanh”.

       Sống Xanh là một cách sống giúp giảm việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Trái đất và gây ra ít tác động nhất với môi trường từ thói quen sinh hoạt của chúng ta.

       Sống Xanh có nghĩa là đáp ứng được nhu cầu hiện tại của mà không phải hi sinh hay ảnh hưởng đến việc các thế hệ tương lai có thể sử dụng các tài nguyên. Nói cách khác là chúng ta chú trọng vào sự phát triển bền vững thay vì tập trung vào các giá trị thụ hưởng hiện tại mà quên mất những hậu quả xảy ra trong tương lai, ví dụ thay vì chúng ta sử dụng các sản phẩm từ gỗ tự nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng gỗ rừng trồng - và rừng này được quản lý chặt chẽ theo tiêu chí bền vững, nghĩa là tổng sản lượng gỗ được trồng luôn lớn hơn tổng sản lượng gỗ khai thác tại mọi thời điểm

       Thực tế là bạn có thể trả tiền cho một cuộc sống xa xỉ và tiêu dùng hoang phí tài nguyên của thế giới hôm nay, nhưng thế hệ tương lai sẽ phải trả giá. Mặt khác, hầu như tất cả các hàng hóa, dịch vụ trong cuộc sống mà ta đang dùng đều không tính đến chi phí để xử lý các tác động tới môi trường từ quá trình sản xuất và tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ đó. Thế hệ tương lai sẽ phải trả các chi phí đó hoặc sẽ đến lúc không thể mua được các tài nguyên của trái đất vì chúng đã cạn kiệt, ví dụ như nước sạch.

       Đừng nghĩ việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên là điều gì đó to tát, vĩ mô. Bạn có thể bắt đầu bằng những việc rất nhỏ, thay đổi cách sống của mình tại gia đình. Hãy suy nghĩ về những hành động liên quan đến tại gia đình, Rác thải, Nước, Năng lượng, Mua Sắm, Nhà An toàn và Sức khỏe. Hầu như bạn không cần phải đầu tư nhưng sẽ vẫn tiết kiệm được tiền cho gia đình và tiết kiệm được tài nguyên cho trái đất. Ví dụ, tắt điện khi không sử dụng, lựa chọn nhà sản xuất thân thiện với môi trường khi mua hàng, thay thế hóa chất bằng các sản phẩm tự nhiên, nấu đủ ăn, dùng các thiết bị điện đúng cách… bạn giảm việc sử dụng năng lượng, hóa chất, bảo vệ nguồn nước, hạn chế rác thải, cải thiện sức khỏe. Hay thú vị hơn, các bạn có thể tự mình thiết kế và thực hiện những đồ dùng trong gia đình cũng là một cách tránh lãng  phí nguồn lực không cần thiết khi đi mua hoặc thuê người làm.

       Khi Sống Xanh, phần thưởng lớn lao nhất cho bạn là sự hài lòng vì mình đã làm những hành động thiết thực, đóng góp cụ thể để duy trì tương lai của con cháu. Bạn cũng tìm được cho mình niềm tin là các thay đổi nhỏ của mỗi cá nhân có thể gộp lại, thành tác động lớn.