Vincent Van Gogh (1853 - 1890) là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại. Thế nhưng, tài năng và các tác phẩm của Van Gogh chỉ được công nhận sau khi ông đã qua đời. Trong 37 năm ngắn ngủi của mình, đại danh họa đã phải vật lộn với nhiều bi kịch, nhất là bệnh trầm cảm lúc cuối đời.
Một trong những kiệt tác được biết đến nhiều nhất của Van Gogh và cả nền hội họa phương Tây là bức tranh sơn dầu “Bầu Trời Sao” hay “Đêm Đầy Sao” (tên gốc tiếng Hà Lan: De sterrennacht). Bức họa vẽ lại bầu trời sao lung linh trong đêm tối tại ngôi làng nước Pháp hiện là một trong những tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất thế giới. Nó hiện nằm ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Manhattan ở Thành phố New York (Mỹ), được định giá khoảng 900 triệu USD (khoảng 20.000 tỷ đồng). Và đằng sau những vì sao lấp lánh là vô vàn những bí ẩn và câu chuyện của người họa sĩ Hà Lan Vincent Van Gogh.
Hoàn cảnh Van Gogh vẽ nên tác phẩm để đời quan trọng nhất của mình vô cùng bi kịch. Bức tranh được vẽ vào tháng 6 năm 1889, chỉ 1 năm trước khi ông lìa đời. Khi đó, ông đã tự đăng ký vào trại thương điên vì sức khỏe tinh thần đã quá suy sụp.
Bầu Trời Sao vẽ lại quang cảnh từ cửa sổ hướng đông của căn phòng bệnh tại Saint-Rémy-de-Provence. Dẫu vậy, ông đã vẽ bức tranh chủ yếu vào ban ngày qua trí nhớ. Trong bức thư gửi cho em trai mình, Van Gogh kể ông đã nhìn thấy khung cảnh bầu trời sao trước khi bình minh và có một ngôi sao đặc biệt rất lớn. Từ tầm nhìn của mình, họa sĩ đã xóa bỏ những khung song sắt để vẽ nên bầu trời sao bất tận.
Ông đã vẽ cây bách ở tiền cảnh của Đêm Đầy Sao, có lẽ có chủ ý vì loài cây này gắn liền với cái chết và nghĩa trang. Cùng với trạng thái tâm trí của Van Gogh khi ở trại thương điên, Đêm đầy sao thể hiện nỗi lòng tiếc nuối và mông lung của chính họa sĩ. Không lâu sau đó, Van Gogh đã tự sát.
Năm 2001, nhà nghiên cứu Paul Wolf đã chỉ ra rằng rằng sở thích dùng màu vàng của họa sĩ trong Đêm Đầy Sao và cả nhiều tác phẩm khác thời kỳ này là do dùng quá nhiều digitalis, một loại thuốc điều trị chứng động kinh của ông. Người bệnh uống thuốc này liều lượng nhiều thì mắt sẽ thấy những đốm vàng có quầng xung quanh.
Van Gogh lần đầu tiên vẽ Đêm Đầy Sao vào năm 1888. Khi đến Pháp năm 1888, ông thích ngắm và vẽ cảnh đêm. Bức Đêm Đầy Sao đầu tiên được vẽ với bối cảnh là sông Rhone. Bức tranh này đôi khi được gọi là Starry Night Over The Rhone (Đêm đầy sao trên sông Rhone).
Đêm Đầy Sao thứ hai của Van Gogh vẽ vào năm 1889 đã nổi tiếng hơn bức tranh đầu tiên của ông. Dẫu vậy, ông đã luôn cho rằng tác phẩm của mình là một thất bại cho đến khi mất. Van Gogh nói rằng bức tranh của mình là một thất bại của nghệ thuật trừu tượng vì nó quá xa rời nhịp điệu thực của cuộc sống, thiên nhiên và quá mức trừu tượng.
Đêm Đầy Sao của Van Gogh đã khai sáng một cách tài tình bí ẩn khoa học về chuyển động và ánh sáng. Những vì sao trên tranh dường như đang nhấp nháy do cách bộ não con người cảm nhận. Hiện tượng này xảy ra đối với hầu hết các tác phẩm theo trường phái Ấn tượng do bộ não cảm nhận được ánh sáng và chuyển động.
Cường độ ánh sáng của các màu trên tranh vải tạo ra độ chói. Mắt người dễ bị “pha trộn” hai phần có màu khác nhau như thể chúng có cùng độ sáng. Tuy nhiên, bộ não sẽ nhìn thấy các màu tương phản mà không hòa trộn, dẫn đến ánh sáng dường như nhấp nháy. Đã có rất nhiều nghiên cứu về Đêm Đầy Sao của Van Gogh để giải mã điều này. Một nhà nghiên cứu tên Natalya St. Clair kết luận rằng Đêm Đầy Sao là “một mô tả chính xác về sự hỗn loạn”.
Đằng sau mỗi tác phẩm đều ẩn chứa một câu chuyện và nỗi niềm của người vẽ nên nó. Với ngòi cọ và trí tưởng tượng phong phú của mình, Vincent van Gogh đã tạo nên một tuyệt tác Đêm đầy sao được nhắc đến ở đời sau. Trên đây là những bí ẩn xung quanh tác phẩm Đêm đầy sao của họa sĩ Vincent van Gogh.